0 - 7,740,000 đ        

Phượt ở đâu? - Nha Trang đẹp bốn mùa

Hoàng hôn Nha Trang (Ảnh – Ton Ten)

Thành phố Nha Trang cách Thủ đô Hà Nội 1.280km, cách thành phố Hồ Chí Minh 448km, Cố đô Huế 630km, Phan Rang 105km, Phan Thiết 260km, Cần Thơ 620km. Nha Trang nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa, Nam giáp thành phố Cam Ranh, Tây giáp huyện Diên Khánh, trong một thung lũng núi vây 3 phía Bắc – Tây – Nam và tiếp giáp với bờ biển về phía Đông. Sông Cái Nha Trang và sông Cửa Bé chia Nha Trang thành 3 phần, gồm 27 xã, phường. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chiêm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang như các tháp Chàm, tháp Bà Ponagar.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên “Nha Trang” được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang (có nghĩa là “sông Lau”, tên người Chăm xưa gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

Đi du lịch Nha Trang vào thời gian nào

Nên đi du lịch Nha Trang vào mùa hè (Ảnh – mdnjustin)

Nha Trang khoác lên lên mình chiếc áo khí hậu nhiệt đời gió mùa, nhưng cũng chịu chi phối nhiều bởi khí hậu đại dương. Chính vì thế mà khí hậu Nha Trang tương đối ôn hòa, không quá khắc nghiệt như ở miền Bắc và cũng không quá thất thường như trong miền Nam. Mùa đông ở Nha Trang ít lạnh, mùa hè thường kéo dài nhưng nắng nóng không quá gay gắt. Thời tiết Nha Trang cũng có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Thêm vào đó, Thành phố biển Nha Trang lại nằm trong vùng ít chịu ảnh hưởng của gió bão. Chính vì thế mà du lịch Nha Trang quanh năm luôn sẵn sàng chào đón du khách ghé thăm.

Phương tiện đi và đến Nha Trang

Nha Trang là một vùng đất được ưu đãi cả về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên; và cùng với nền tảng văn hóa tạo cho thành phố này khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không và đường sắt

Đường bộ
Trên đèo Khánh Lê, con đường nối Nha Trang – Đà Lạt (Ảnh – ArTuan.com)

Những con đường bộ tới Nha Trang hết sức thuận tiện, thành phố biển nằm trên quốc lộ 1A, bởi vậy mỗi ngày có hàng ngàn chuyến xe đến và đi không kể ngày đêm. Thành phố du lịch Nha Trang khá gần những địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Từ Nha Trang,  rất nhiều người đã lựa chọn những cung đường để thỏa cái khát khao đi “phượt” như cung Nha Trang – Đà Lạt ngoằn ngoèo giữa núi rừng trập trùng, Mũi Né – Phan Thiết – Nha Trang lướt qua bạt ngàn cát trắng, cung đường Nha Trang – Đà Nẵng để cảm nhận sự hòa quyện giữa núi rừng hùng vĩ và biển vỗ dạt dào… Đây cũng là những tour du lịch được nhiều du khách lựa chọn và việc di chuyển giữa các địa điểm không quá khó khăn bởi tất cả đều có những tuyến xe chất lượng cao tới đó

Đường sắt
Ga Nha Trang (Ảnh – Baliw Kail)

Nha Trang có nhà ga lớn nhất trong tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam. Tất cả các tuyến tàu lửa đều dừng ở đây. Ngoài các chuyến tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu SN1-2, SN3-4. Đặc biệt có các chuyến tàu chất lượng cao Sài Gòn – Nha Trang.

 

Đường không
Cam Ranh nhìn từ trên cao (Ảnh – Bayaer)

Sân bay quốc tế Cam Ranh thuộc thành phố Nha Trang là một trong những sân bay lớn nhất Việt Nam, phục vụ trên 1 triệu lượt người một năm và có tốc độ tăng trưởng lượng hành khách cao nhất trong cả nước. Hiện tại mỗi ngày có hàng chục chuyến bay tới Nha Trang với giá vé tham khảo vào dịp cao điểm (mùa hè) dao động trong khoảng từ 2500k-3500k (bay từ Hà Nội) và từ 2000k-25000k (bay từ Sài Gòn). Sân bay quốc tế Cam Ranh cũng đón những chuyến bay thẳng từ các nước như Singapore của hãng hàng không Silk Airline, từ Nga của hãng hàng không Vlapostok Air.

Khách sạn nhà nghỉ tại Nha Trang

Rất nhiều khách sạn tốt tại Nha Trang cho bạn lựa chọn (Ảnh – Dan & Luiza from TravelPlusStyle.com)

Nha Trang có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và là một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Các bãi biển dài của thành phố này đã biến nó thành một thành phố du lịch. Nơi đây cũng đã được chọn làm nơi tổ chức các sự kiện lớn như Festival Biển (Nha Trang), hay các cuộc thi sắc đẹp lớn như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Trái Đất 2010… Tính đến năm 2013, Nha Trang – Khánh Hòa có khoảng 540 cơ sở lưu trú với gần 15.000 phòng, trong đó có 4.500 phòng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Các địa điểm du lịch hấp dẫn tại Nha Trang

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nhắc tới những địa điểm du lịch nằm trong lòng Thành phố Nha Trang, các địa điểm du lịch hấp dẫn khác gần Nha Trang như : Bãi Dài, Dốc Lết, đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng …. các bạn vui lòng xem trong bài viết về du lịch Khánh Hòa:

Bản đồ du lịch Nha Trang
Vinpearl Land
Toàn cảnh khu du lịch VInpearl (Ảnh – Vinpearl Land)

Với quy mô gần 200.000m2 khu giải trí Vinpearl Land Nha Trang được thiết kế một cách độc lập nhưng bố trí liên hoàn bên cạnh các hệ thống khách sạn 5 sao khác của Vinpearl.

Thủy cung
Ngắm các loại sinh vật biển từ Thủy Cung (Ảnh – vietnamconnectiontravel)

Thủy cung tại Vinpearl Land Nha Trang có diện tích 3.400m2, nuôi dưỡng và trưng bày hơn 300 loài sinh vật biển quý hiếm, lạ mắt, được nhập về từ nhiều nước khác nhau, sắp xếp và phân chia thành các khu vực: Khu sinh vật biển vùng khí hậu Bắc châu Á, Khu sinh vật biển vùng khí hậu Nam châu Á, Khu sinh vật biển vùng khí hậu Amazon, Khu sinh vật biển vùng khí hậu duyên hải…

Toàn bộ khuôn viên Thủy cung là 1 một khối nhà 2 tầng trong lòng núi giả, có hệ thống công nghệ nuôi khép kín được đầu tư xây dựng theo những yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật của thế giới cho hoạt động của thủy cung. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám phá cuộc sống trong lòng đại dương của du khách, Vinpearl Land Nha Trang đã đầu tư xây dựng một đường hầm hiện đại với hệ thống thang cuốn được thiết kế công phu. Khám phá Thủy cung, chiêm ngưỡng các loài sinh vật biển trong lòng đường hầm di chuyển bằng thang cuốn, quý khách sẽ có cảm giác như đang được du ngoạn dưới đáy đại dương, đang được bơi lội và vui đùa cùng muôn vàn loài sinh vật biển rực rỡ sắc màu. Sự phong phú và đa dạng về loài trong Thủy cung sẽ thỏa mãn trí tò mò và mong muốn khám phá của Quý khách về cuộc sống trong lòng đại dương.

Công viên nước
Công viên nước ngoài trời với diện tích lớn, nhiều trò chơi hấp dẫn (Ảnh – vietnamconnectiontravel)

Là công viên nước ngọt trên bãi biển đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, với tổng diện tích 60.000m2, có hệ thống núi nhân tạo 30.000m2 và Hang Rùng Rợn cùng nhiều trò chơi nước độc đáo, được bao bọc bởi bãi biển dài hàng trăm mét và dòng sông Lười thơ mộng.

Khu trò chơi ngoài trời
Nhiều trò chơi hấp dẫn tại khu vui chơi ngoài trời (Ảnh – Dwi Kurniawan)

Bên cạnh các trò chơi trong nhà, công viên giải trí Vinpearl Land Nha Trang còn có khu trò chơi ngoài trời với nhiều trò chơi cảm giác mạnh độc đáo. Các trò chơi ngoài trời bao gồm:

  • Alpine Coaster – Hệ thống làn trượt đầu tiên trên đảo tại Châu Á
  • Trò chơi bật nhảy Bungee – Bungee là trò chơi bật nhảy dành cho những bạn yêu thích và đam mê cảm giác được “bay bổng” trên không với các động tác nhào lộn, bật nhảy đầy hứng khởi.
  • Đu quay cảm giác mạnh (Đu quay 3 chiều)
  • Đu quay dây văng
  • Đu quay thú nhún
  • Đu quay con voi
  • Tàu hải tặc
  • Tàu lượn cao tốc
  • Đu quay vòng xoay
  • Sân khấu biểu diễn xiếc thú
  • Sân khấu ca nhạc
Khu trò chơi trong nhà
Khu vui chơi trong nhà (Ảnh – Mark Wu)

Nằm trong lòng núi nhân tạo, cao tới 24m, khu vui chơi trong nhà của công viên Vinpearl Land có nhiều trò chơi đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Các trò chơi trong nhà bao gồm:

  • Phòng chiếu phim 4D
  • Vườn cổ tích
  • Thiên đường trẻ em
  • Siêu thị game
  • Phòng Karaoke
Phố mua sắm
Ảnh – Vinpearl Land

Lấy cảm hứng từ sự thanh bình, thơ mộng của phố cổ Hội An, Phố mua sắm tại Vinpearl Land Nha Trang được thiết kế nhằm tô điểm và mang tới một không gian đậm sắc màu truyền thống mà vẫn tinh tế, hiện đại, tạo cảm hứng mua sắm du khách.

Làng ẩm thực
Ảnh – Vinpearl Land

Nằm trải dài bên bờ biển thơ mộng, với con đường lát đá tự nhiên, Làng ẩm thực là điểm đến lý tưởng cho những vị khách yêu thích không khí yên bình, trong lành, lãng mạn. Đây cũng là nơi bạn có thể dừng chân thư giãn và thưởng thức những món ăn ngon sau thời gian vui chơi

Viện hải dương học
Viện hải dương học lưu giữ rất nhiều mẫu sinh vật biển (Ảnh – vhsavatage)

Viện Hải dương học là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á. Đến thăm Viện, du khách sẽ được tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính.

Nói đến Viện Hải Dương Học, không thể không nhắc đến một bộ phận hữu cơ của nó là bảo tàng Hải Dương Học – vốn rất nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ trước với cái tên dân dã là “Hồ cá Hải học viện Nha Trang”. Hiện nay, bảo tàng Hải Dương Học được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển thành một quần thể liên hoàn bao gồm các bể nuôi sinh vật biển phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng, và một hệ thống nhà lưu trữ mẫu sinh vật biển lớn nhất nước. Có rất nhiều mẫu vật đã được gửi đến nhiều phòng thí nghiệm khác nhau ở nước ngoài, nhiều bảo tàng trên thế giới.

Bộ xương cá voi khổng lồ đang lưu giữ ở đây (Ảnh – giang.nt)

Đến tham quan bảo tàng, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, khách tham quan còn có thể xem xét tìm hiểu hơn 10.000 loài sinh vật ở biển Đông đang được lưu trữ. Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam, Campuchia và các vùng nước lân cận, trong đó có các loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển (Dugong). Đặc biệt, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 26m, cao 3m đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm. Đây thực sự là một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá. Bảo tàng còn giới thiệu với du khách các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, giới thiệu những khoáng sản, tài nguyên quý giá, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển – để lưu ý nhắc nhở mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn lợi vì lợi ích của con cháu mai sau, bảo tàng Hải Dương Học đang trở thành trung tâm trưng bày giới thiệu và giáo dục truyền thống chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông của người Việt. Đây thực sự là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý, cần phải bảo quản và phát triển.

Tháp bà Po Nagar
Ảnh – Niall Savage

Yang Po Inư Nagar (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po Nagar) là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi “Tháp Po Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Umar, vợ của Shiva.

Suối khoáng Tháp Bà
Nhiều du khách lựa chọn tắm bùn khi du lịch Nha Trang (Ảnh – vasan.t)

Suối khoáng Tháp Bà là nơi chăm sóc sức khỏe và là điểm tham quan của thành phố Nha Trang. Nơi đây có rất nhiều dịch vụ dùng để chăm sóc sức khỏe trong đó ngâm và tắm bùn khoáng là chủ yếu. Nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 04 km về hướng Bắc, sau lưng Tháp Bà Ponagar và đi xe khoảng 20 phút là đến nơi.

Hòn Chồng – Hòn Vợ
Ảnh – meenaghd

Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi La-san, có thể được tạo nên do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn. Tục truyền rằng, thuở xưa ông khổng lồ ngồi câu cá nơi đây, có một con cá cũng khổng lồ cắn câu lôi đi, ông phải kéo lại, tay cầm cần câu, tay tì vào tảng đá lấy đà khiến bàn tay ấn vào đá và để lại dấu như đã thấy. Theo một truyền thuyết khác, xưa có một người khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông dừng lại say sưa ngắm và vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi khiến sườn núi sụp đổ, đá văng xuống để lại vết tay ông hằn trên đá. Dấu chân trượt ngã đủ năm ngón cũng để lại dấu tích ở khu vực Suối Tiên.

Đi giữa bãi đá còn nhiều tảng đá chồng chất kỳ lạ như cảnh hai hòn đá dựng đứng, giữa có chẹt một hòn đá lớn như cái cổng qua một cụm đá khác. Cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển – được đặt một cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng – đó là Hòn Vợ, cụm đá này ít được du khách để ý hơn.

Hội quán Vịnh Nha Trang (Ảnh – Võ Văn Thành)

Đứng trên Hòn Chồng nhìn ra xa là Hòn Yến, quay về bên phải là Cảng Cầu Đá, Hòn Tre và bờ biển Nha Trang dài tới 6 km. Khuất bên mũi đồi Lasan, nhô ra biển là cửa sông Nha Trang, bến cá Cù Lao. Nhìn từ phía Hòn Chồng phía bên kia là núi Cô Tiên. Từ vị trí bên Hòn Chồng sẽ nhìn rất rõ Hòn Đỏ (nơi đặt ngôi chùa) ở phía xa. Ngoài ra, ở mặt đường trên đường đi xuống Hòn Chồng còn có Hội quán Vịnh Nha Trang, nơi trưng bày nhiều tranh ảnh về Hòn Chồng và các thắng cảnh ở Nha Trang. Hội quán được thiết kế theo phong cách nhà rường Huế.

Chùa Long Sơn
Bức tượng Kim Thân Phật Tổ (Ảnh – Khánh Hmoong)

Chùa Long Sơn hay còn gọi là Chùa Phật trắng trước có tên là Đăng Long Tự, tọa lạc tại số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, dưới chân đồi Trại Thủy, Nha Trang. Ngôi chùa này được xây dựng cách đây hơn một trăm năm, trải qua nhiều lần trùng tu, và đến nay là ngôi chùa nổi tiếng nhất tỉnh Khánh Hòa (Việt Nam).

Chùa Long Sơn do nhà Hoà thượng Thích Ngộ Chí (sinh năm 1856), húy thượng Phổ hạ Trí, thế danh là Nguyễn Tám Văn Nghi, theo dòng Thiền Lâm tế đời thứ 39 khai sơn sáng lập năm 1886 với tên gọi là Đằng Long tự. Ban đầu chùa chỉ là một căn nhà tranh nằm tại đỉnh đồi Trại Thủy(nơi đặt tượng Phật trắng hiện nay). Năm 1990, chùa bị sập sau một cơn bão, nên Tổ khai sơn quyết định dời xuống chân núi và đổi tên chùa thành Long Sơn tự.

Năm 1936, theo di nguyện của Tổ Ngộ Chí, chùa được tiến cúng cho Hội An Nam Phật học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa, đến nay vẫn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa. Năm 1938 năm Bảo Đại thứ 14, chùa được phong “Sắc tứ Long Sơn tự”.

Năm 1941 chùa được trùng tu do Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật tử Võ Đình Thụy phát tâm xây dựng. Năm 1968, chùa bị sạt mái ngói do chiến tranh. Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra trùng tu chùa và cho đến năm 1975, việc trùng tu mới thực hiện được 60% theo bản thiết kế của kiến trúc sư Võ Đình Diệp.

Nhà Thờ Núi Nha Trang
Nhà thờ Núi Nha Trang (Ảnh – phuoctue)

Nhà thờ Núi (tên chính thức là: Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua) là một nhà thờ Công giáo ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nhà thờ này còn có nhiều tên gọi bình dân như: Nhà thờ Nha Trang (vì trước đây nó thuộc họ đạo Nha Trang); Nhà thờ Ðá (vì nó được xây bằng đá); Nhà thờ Ngã Sáu (vì nó tọa lạc gần một xòng xoay giao thông); nhưng phổ biến hơn cả là tên gọi Nhà thờ Núi (vì nó được xây trên một núi nhỏ).

Lầu Bảo Đại (Biệt thự Cầu Đá)
Biệt thự Bông Sứ (Ảnh – Khánh Hmoong)

Khu du lịch Bảo Đại tọa lạc trên 3 ngọn đồi nhô ra sát biển của núi Cảnh Long thuộc thành phố Nha Trang. Với không gian thoáng mát, yên tĩnh, thơ mộng, gió lộng suốt 4 mùa, những hàng dừa xanh mướt, tiếng chim ríu rít trên những vòm cây, biển xanh, cát trắng…

Lịch sử hình thành của Khu du lịch Bảo Đại gắn liền với sự ra đời của Viện Hải dương học Đông Dương (nay là Viện Hải dương học Nha Trang). Vùng biển Nha Trang nằm gần trung tâm điểm của biển đông, nơi hội tụ các quần thể sinh vật biển đa dạng, vì vậy người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi ở cho các nhà nghiên cứu khoa học biển. Năm 1923, tiến sĩ Krempt (người Pháp gốc Đức) đã chỉ huy thực hiện đồ án thiết kế 5 ngôi biệt thự trên đỉnh đồi (nay gọi là biệt thự Cầu Đá). Người Pháp đặt tên cho các ngôi biệt thự theo tên các loài cây và hoa trồng quanh vườn:

– Les Agaves: Biệt thự Xương rồng
– Les Frangipaniers: Biệt thự Bông sứ
– Les Bouguinvilles: Biệt thự Bông giấy
– Les Flamboyants: Biệt thự Phượng vĩ
– Les Badamniers: Biệt thự Cây Bàng

Người đầu tiên ở biệt thự Xương rồng là tiến sĩ Krempt – Giám đốc viện Hải Dương học Đông Dương. Đến năm 1926 khi Bảo Đại lên ngôi hoàng đế, người Pháp đã chuyển giao 2 biệt thự Xương rồng và Bông sứ cho vua Bảo Đại. Vị vua này đã dùng 2 ngôi biệt thự này làm nơi nghỉ mát cho ông và Hoàng hậu Nam Phương (vì thế biệt thự Cầu Đá còn được gọi là Lầu Bảo Đại, cũng có tên gọi khác là Lầu Thừa Lương). Sau năm 1954, Biệt thự Xương rồng được đổi tên thành Nghinh Phong, Bông sứ được đổi tên thành Vọng Nguyệt. Các tên gọi đó được giữ đến ngày nay.

Làng cổ Phú Vinh
Một góc nhà cổ Phú Vinh (Ảnh – My travel diary 2011)

Ít ai ngờ rằng ở Nha Trang ngoài bãi biển xinh đẹp, tuyến đảo đa dạng phong phú thì trong lòng thành phố Nha Trang vẫn còn lưu lại một làng quê cổ mang đậm nét miền Trung. Đó là làng cổ Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh. Phú Vinh có lịch sử trên 200 năm, do đó còn lưu lại trong lòng mình khá nhiều ngôi nhà cổ. Hiện nay, mỗi năm có cả chục ngàn du khách tham gia vào tour du lịch “làng cổ” Phú Vinh. Trong 6 ngôi nhà cổ được chọn đều nằm trên trục đường vòng cung của xã Vĩnh Thạnh. Ðiểm đặc biệt nữa là ở đó có cả những dòng họ nhiều đời sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất cha ông đã khai hoang.

Chợ Đầm
Chợ Đầm hay còn gọi là Trung tâm thương mại Nha Trang (Ảnh – Baliw Kail)

Chợ trung tâm của thành phố biển Nha Trang, là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo. Đây là chợ lớn nhất và cũng là biểu tượng thương mại của thành phố biển này. Đây là trung tâm thương mại mua sắm và cũng là điểm tham quan du lịch. Chợ có tên chợ Đầm là vì chợ nằm trên một cái đầm cũ rộng đến 7 mẫu tây, ăn thông ra cửa sông Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra nay đã bị lấp. Chợ hiện nay bán rất nhiều sản phẩm gia dụng lẫn những mặt hàng lưu niệm, hải sản… rất phong phú. Ngay tại cửa ra vào, bãi đậu xe là tới khu vực chợ, tại các cánh cung bọc 2 bên chợ là bán hải sản, khô, nem nướng và các mặt hàng lưu niệm. Trung tâm chợ bán các mặt hàng thiết yếu.

Các món ăn ngon và đặc sản Nha Trang

Hải sản
Đến Nha Trang nhớ tìm quán ngon thưởng thức hải sản (Ảnh – boxofjack)

Là thành phố ven biển, hải sản ở Nha Trang vô cùng phong phú và tươi ngon. Bạn có thể thưởng thức hải sản ở các nhà hàng hay các quán ven biển. Ngoài các loại tôm, mực, sò huyết, ốc…, bạn cũng nên thử qua món cá nướng tại Nha Trang nhé.

Quán hải sản ngon ở Nha Trang

Muốn ăn hải sản giá rẻ các bạn có thể tìm dọc đường Tháp Bà, muốn tìm quán có view biển thì có thể tìm các quán dọc bờ kè Trần Phú.

Nem Ninh Hòa
Nem nướng Ninh Hòa (Ảnh – Cathy Danh)

Là tên gọi chung cho thứ nem chua và nem nướng của Ninh Hòa. Nguyên liệu chính làm nem Ninh Hòa là thịt nạc ròng ở hai bắp đùi heo đất đỏ (một loại heo đặc trưng của địa phương). Bên ngoài nem chua được gói thêm lớp lá chuối hột hoặc chuối mốc, cột bằng lạt giang, kết từng chiếc lại thành xâu nem chua, ăn kèm với tép tỏi để có hương vị đặc biệt và độ dai, giòn. Ngoài nem chua, còn có nem nướng cũng được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn và mỡ xắt hạt lựu cùng một số gia vị, viên lại rồi nướng trên than hồng. Nem nướng được cuốn bằng bánh tráng mặn chiên vàng kèm nhiều loại rau, dùng với nước chấm hỗn hợp đặc trưng

Quán nem nướng ngon ở Nha Trang

– Quán nem 25 Lê Hồng Phong
– Quán nem Đặng Văn Quyên 16B Lãn Ông
– Quán nem Nhã Trang 39 Nguyễn Thị Minh Khai
– Quán nem Ngọc Tiên 59 Lê Thành Phương
– Quầy nem nướng 50 Thống Nhất
– Quầy nem nướng 178 Thông Nhất

Bún cá Nha Trang 
Bún cá Nha Trang (Ảnh – Tien Do)

Một tô bún chả cá luôn có hai loại chả là chả cá chiên và chả cá hấp để làm phong phú thêm khẩu vị. Chả cá được dùng là chả cá thu để có độ dai và ngọt. Chả cá hấp còn được tráng một lớp lòng đỏ trứng gà trên bề mặt. Nước lèo của bún chả cá được nấu bằng cá cờ hoặc xương cá thu. Chất cá này làm cho vị nước lèo thanh ngọt, mát.

Quán bún cá ngon ở Nha Trang

– Quán bún cá Đức B8 Phan Bội Châu
– Quán bún cá 87 Yersin
– Quán bún cá ở 23A Yết Kiêu
– Quán bún cá lá Ninh Hòa 1 Đặng Tất

Bún lá cá dầm 

Đây là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất Khánh Hòa, mà nổi tiếng nhất là bún lá cá dầm Ninh Hòa. Tại Ninh Hòa, món ăn đã trở thành phổ biến và là đặc sản không thể thiếu khi du khách đến thăm vùng đất này. Tại Ninh Hòa đã hình thành nên một làng gọi là làng bún lá Diên Lạc.

Quán bún lá ngon ở Nha Trang

– Quán bún lá Ninh Hòa số 2 Lãn Ông
– Quán bún lá Cây Bàng Ninh Hòa số 6 đường Hàn Thuyên
– Quán bún lá Hằng 37 đường Trần Nhật Duật
– Quán bún lá Song Ngư 5 Phan Chu Trinh

Bún sứa 
Bún sứa (Ảnh – Pinnee)

Tương tự với bún cá nhưng được làm từ sứa, tôm, cua, thịt ba chỉ, chả cá hấp hoặc chả cá viên có điểm thêm mùi thơm của đậu phụng rang, rau ghém… Người ta thường dùng sứa chân để chế biến món bún sứa. Chả cá chế biến từ cá thu, một phần phần viên thành viên tròn nhỏ rán vàng, một phần ém vào khuôn, thoa lòng đỏ trứng lên trên, hấp chín và thái nhỏ. Nước dùng được chế biến từ mắm ruốc và nạc cá thu

Bánh ướt Diên Khánh
Bánh ướt Diên Khánh (Ảnh – Olympus OM)

Còn gọi là bánh ướt Thành là một đặc sản của Diên Khánh. Những quán bánh ướt thường được bày theo kiểu nhà quê: quán ngay trước nhà, có lò tráng bánh đắp bằng đất và đặt những bộ bàn ghế rất sơ sài. Chiếc bánh khi tráng ra bày rất mỏng trên đĩa để đổ nhân là ruốc tôm, hành mỡ, còn nước chấm là mắm nêm, mắm nước. Ngày xưa, bánh ướt Diên Khánh có đủ bộ “tam sên” là hành mỡ, đậu xanh, ruốc tôm. Nay người ta giản lược đi chỉ còn hai thứ: nếu có đậu xanh thì không có ruốc tôm và ngược lại. Cái ngon của quán bánh ướt nhà quê là nước chấm, đặc biệt là mắm ruột. Việc pha chế mắm cũng đơn giản nhưng mỗi quán có mỗi cách làm và nêm nếm riêng.

Quán bánh ướt ngon ở Nha Trang

– Quán số 43 đường Trương Định
– Quán Hà đường 23/10 ngay cây số 4 (từ NT lên qua cầu Dứa khoảng 400m bên phải)

Bánh canh
Bánh canh Nha Trang (Ảnh – Khánh Hmoong)

Bánh canh là món đặc sản rất nổi tiếng ở Nha Trang mà hầu như du khách nào đến đây cũng phải một lần thưởng thức. Cái ngon của tô bánh canh nơi đây không chỉ ở thứ nước lèo ngọt ngọt, chua chua mà nhiều người “mê mệt” còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương.

Quán bánh canh ngon ở Nha Trang

– Quán bánh canh Bà Thừa 55 Yersin
– Quán bánh canh Phúc 25 Vân Đồn
– Quán bánh canh cô Hà 14 Phan Chu Trinh
– Quán bánh canh cô Lộc 30 Phan Chu Trinh
– Quán bánh canh số 4 Trần Thị Tính
– Quầy bánh canh số 7 Bạch Đằng với đường Mạc Đỉnh Chi
– Quầy bánh canh ngay ngã 3 Thống Nhất + Bà Triệu
– Quầy bánh canh 05/14 Tô Hiến Thành
– Quầy bánh canh ngay góc cua đầu đường Hai Bà Trưng + Phan Bội Châu

Bánh xèo mực 
Bánh xèo mực Nha Trang (Ảnh – tuvancong2003)

Đổ bằng khuôn đất nên bánh xèo Nha Trang ít dầu mỡ và thơm ngon hơn bởi các phụ liệu đi kèm. Sáng sớm hoặc chiều tối là thời gian thích hợp để thưởng thức món ăn này.

Quán bánh xèo mực ngon ở Nha Trang

– Khu vực cảng cá cuối đường Võ Thị Sáu – Bình Tân (buổi sáng)
– Khu vực đường Tháp Bà + Bờ Kè phía bắc cầu Trần phú (bán sáng – chiều)

Cơm gà xé Nha Trang
Cơm gà xé (Ảnh – Internet)

Ở Nha Trang, ngoài những món quá quen thuộc như: bò nướng lạc cảnh, nem nướng Ninh Hòa, bún chả cá sứa,… thì còn có món cơm gà cũng nổi tiếng không kém. Thậm chí ở Nha Trang còn có hẳn một con đường kéo dài hàng chục quán chuyên bán loại cơm gà này.  Hạt cơm vàng ươm, gà xé trắng phau, rau răm, đồ chua, sốt béo ngậy, chén nước gà luộc bốc khói…

Quán cơm gà ngon ở Nha Trang

– Các quầy bán cơm gà ngã 3 Yersin + Tô Vĩnh Diện
– Cơm gà Trâm Anh 8A đường Bà Triệu
– Quán cơm Gà 06 Trần Bình Trọng

Bò nướng Lạc Cảnh
Bò nướng Lạc Cảnh (Ảnh – giahieptiger)

Ở Nha Trang không ai là không biết tới quán chuyên bò nổi tiếng nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tên Lạc Cảnh. Quán bình dân mở cửa đã lâu, luôn tấp nập khách khứa. Món ngon nổi tiếng nhất của quán là bò nướng mang chính tên cửa hàng –  Bò nướng Lạc Cảnh.

Bò nướng trực tiếp trên than hoa theo hình thức nướng lụi, khách tự đặt bò lên vỉ nướng, chờ khoảng 15 phút là thịt tới độ chín, có thể thưởng thức. Trong 15 phút ấy, ai ai cũng háo hức, thị giác dán chặt vào lò than hừng hực lửa, tiếng mỡ cháy xèo xèo cùng hương thơm ngây ngất xực tỏa khắp nơi. Bò chín tới vừa ngọt vừa mềm, màu đỏ au như ướp ớt mà không quá cay, chỉ chấm cùng thứ nước chấm cực kì giản đơn là muối chanh ớt đã đủ đậm đà, lại thơm lựng.

Vịt Cầu Dứa
Nếu muốn đổi món ở thành phố biển, các bạn có thể thử món vịt Nha Trang nhé (Ảnh – Luu Kiem)

Nếu Yến sào là đặc sản đầu tiên mà du khách nên thưởng thức khi đến với Khánh Hoà thì Vịt Cầu Dứa có thể xem là món thứ hai trong thực đơn khám phá món ngon của du khách khi đến với Thành phố biển nơi đây. Cách trung tâm Thành phố khoảng 4km về phía Nam, nằm trên quốc lộ 1A là khu phố Vịt thuộc vùng Cầu Dứa. Nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước bởi hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ vịt.

Quán vịt ngon ở Nha Trang

– Quán Hùng Cầu Dứa  96 đường 23/10 Tp Nha Trang
– Quán 26 Hàn Thuyên
– Quán 141 Xôi xéo vịt ngã 3 Tô Hiến Thành + Lê Quý Đôn (39 Lê Quý Đôn)

Nguồn: https://cungphuot.info/kinh-nghiem-du-lich-nha-trang-post18912.cp

TIN TỨC KHÁC
  • Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm